Soạn bài: Tìm hiểu chung văn bản hành chính
Văn bản hành chính là loại văn bản thường dùng để truyền đạt những nội dung và yêu cầu nào đó từ cấp trên xuống hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan và người có quyền hạn để giải quyết.
I. THẾ NÀO LÀ VĂN BẢN HÀNH CHÍNH
1. Đọc các văn bản
2. Trả lời các câu hỏi
a. Gợi ý:
- Văn bản thông báo:
+ Được viết khi người ta cần truyền đạt một vấn đề quan trọng nào đó từ một cấp cao hơn xuống cấp thấp hơn hoặc cho nhiều người;
+ Nhằm phổ biến nội dung.
- Văn bản đề nghị:
+ Được viết khi cần đề đạt một vấn đề gì đó của cá nhân hay tập thể đối với cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
+ Nhằm đề xuất một ý kiến, nguyện vọng nào đó.
- Văn bản báo cáo:
+ Được viết khi cần trình bày một vấn đề gì đó từ cấp dưới lên cấp trên;
+ Nhằm tổng kết, nêu lên những gì đã đạt được, những gì còn chưa làm được) trong công việc để cấp trên biết.
b) Ba văn bản trên có gì giống và khác nhau? So sánh hình thức trình bày của ba văn bản này với các văn bản truyện, thơ mà em đã đọc.
Gợi ý:
- Về điểm giống nhau:
Các văn bản trên có những mục nào giống nhau?
Các văn bản trên đều được trình bày theo mẫu quy định và có một số mục tương tự nhau.
- Điểm khác nhau:
+ So sánh về mục đích sử dụng?
+ Những nội dung cụ thể của từng loại văn bản?
- Truyện và thơ là loại văn bản nghệ thuật, dùng để sáng tạo hình tượng, vì vậy có sử dụng hư cấu, tưởng tượng, ngôn ngữ theo phong cách nghệ thuật; văn bản hành chính thì không được sử dụng hư cấu, tưởng tượng, ngôn ngữ theo phong cách hành chính, công vụ.
c) Kể thêm một số loại văn bản tương tự như các văn bản trên.
Gợi ý: Giấy khai sinh, giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp, sơ yếu lí lịch,...
d) Các văn bản đã phân tích ở trên là văn bản hành chính. Vậy, thế nào là văn bản hành chính? Văn bản này có những đặc điểm gì?
Gợi ý: Văn bản hành chính là loại văn bản như thế nào về: mục đích sử dụng, nội dung, hình thức trình bày,...?
Lưu ý các mục nhất thiết phải có trong văn bản hành chính:
- Quốc hiệu và tiêu ngữ;
- Địa điểm và ngày, tháng, năm làm văn bản;
- Họ tên, chức vụ của người nhận hay tên cơ quan nhận văn bản;
- Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo;
- Chữ kí và họ tên người gửi văn bản.
II. LUYỆN TẬP
1. Trong các tình huống dưới đây, với tình huống nào thì người ta phải viết văn bản hành chính?
a) Có một sự kiện quan trọng sắp xảy ra, cần phải cho mọi người biết sự kiện ấy.
b) Thầy hiệu trưởng hoặc thầy, cô giáo chủ nhiệm cần biết tình hình của lớp em trong tháng qua.
c) Có một sự việc làm em hết sức xúc động, muốn ghi lại những cảm xúc đó.
d) Hôm qua đi học về chẳng may gặp mưa, hôm nay em bị sốt, không thể đến lớp được.
đ) Có một địa danh rất nổi tiếng ở gần trường, cả lớp đều muốn thầy, cô giáo chủ nhiệm tổ chức cho đi tham quan.
e) Bị ốm nên không đi thăm quan được, bạn em rất muốn biết về buổi tham quan ấy.
Gợi ý: Trong các tình huống (c), (e) không có nhu cầu sử dụng văn bản hành chính.
2. Hãy lựa chọn loại văn bản phù hợp với từng tình huống phải sử dụng văn bản hành chính đã xác định được ở trên.
Gợi ý: a - thông báo, b - báo cáo, d - đơn, đ- đề nghị.